1. Trường ĐH Kinh tế có xét tuyển học bạ không?

Nhà trường chỉ xét tuyển kết quả thi THPT năm 2020 chứ không xét học bạ.

  1. Em muốn tham khảo thông tin tuyển sinh chính thức của Trường thì xem ở đâu?

Em tham khảo thông tin tuyển sinh chính thức của Trường ĐH Kinh tế ở link: https://daihockinhtehue.com/thong-tin-tuyen-sinh-dai-hoc-he-chinh-quy-nam-2020

Năm 2020 mỗi trường đại học đều có những quy định riêng, áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, các bạn thí sinh cần vào website của các trường dự kiến đăng ký để tham khảo thông tin chính xác, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.

  1. Em muốn tham khảo điểm chuẩn các năm trước thì tham khảo ở đâu?

Các bạn thí sinh tham khảo điểm chuẩn năm 2019 và các năm trước của Trường ĐH Kinh tế ở link này nhé: http://tuyensinh.hueuni.edu.vn/Search/AdmissionPoints

  1. Mức học phí vào các ngành của trường có cao không?

Trường ĐH Kinh tế là trường đại học công lập, thu học phí theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn vẫn là nhóm ngành có mức học phí thấp nhất nên các bạn thí sinh không phải quá lo lắng về học phí khi vào học tại Trường. Chương trình đại trà khoảng 4,8 triệu/kỳ (Ngành Kinh tế chính trị miễn phí toàn khóa học); Chương trình Chất lượng cao khoảng 6,6 triệu/kỳ; Chương trình liên kết: Ngành Tài chính – Ngân hàng liên kết với ĐH Rennes 15 triệu/kỳ; Ngành Quản trị kinh doanh liên kết với Ireland 15 triệu/kỳ; Song ngành Kinh tế tài chính liên kết ĐH Sydney 10 triệu/kỳ (mỗi năm tăng 500.000đ/kỳ).

  1. Mức điểm chuẩn các ngành của trường năm nay thế nào? Bao giờ trường công bố điểm sàn, điểm chuẩn các ngành?

Điểm chuẩn mỗi ngành được xác định dựa trên điểm thi THPT của các bạn thí sinh đăng ký vào mỗi ngành đó nên không thể xác định cụ thể trước được, nhất là khi các bạn thí sinh vẫn còn 1 đợt điều chỉnh các nguyện vọng đã đăng ký nữa.

Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2020, các trường đại học sẽ phải công bố “điểm sàn” trước 18/9 để các thí sinh có căn cứ điều chỉnh NV, sau đó thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ 19/9 đến 17h00 ngày 25/9 hoặc 27/9 tùy thuộc phương thức điều chỉnh thí sinh lựa chọn (trực tuyến hoặc phiếu đăng ký xét tuyển). Trước 17h00 ngày 05/10 các trường sẽ hoàn thành công tác xét tuyển và công bố điểm chuẩn xét tuyển năm 2020.

  1. Chương trình chất lượng cao có khác biệt gì với chương trình đại trà?

Chương trình chất lượng cao theo thông tư 23 của Bộ GD-ĐT là chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, tập trung vào các ngành có nhu cầu nhân lực cao, nội dung đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp, có sự tham gia của doanh nghiệp vào ngay trong quá trình đào tạo và nhiều các đầu tư khác về ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên….cho sinh viên. Ngược lại, sinh viên sẽ phải đóng học phí cao hơn so với chương trình chuẩn do không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với những chương trình này.

Năm 2020, Trường ĐH Kinh tế tuyển sinh 05 chương trình đào tạo chất lượng cao gồm: Quản trị kinh doanh, Kế hoạch đầu tư, Kiểm toán, Tài chính ngân hàng và Tin học kinh tế.

  1. Xét tuyển theo kết quả thi THPT có ưu tiên NV1 không? Em có được trúng tuyển vào nhiều ngành nhiều trường không?

Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, việc xét tuyển đại học dựa trên 02 nguyên tắc: 1./ không phân biệt thứ tự NV giữa các thí sinh cùng đăng ký 1 tổ hợp ở mỗi ngành; 2./ mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Theo đó, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường/ngành và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất); Các thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký nhưng mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Từ nguyên tắc xét tuyển kết quả thi THPT nêu trên, các bạn thí sinh cần lưu ý lựa chọn sắp xếp các NV theo mức độ yêu thích của mình để tránh trúng tuyển vào các ngành không đúng mong muốn. Bên cạnh đó, ở các NV cuối danh sách đăng ký, các bạn có thể lựa chọn 1 số ngành nhiều khả năng có điểm chuẩn thấp để đảm bảo khả năng trúng tuyển đại học.

  1. Trường xét tuyển vào ngành theo các tổ hợp xét tuyển, vậy điểm xét tuyển giữa các tổ hợp vào ngành có chênh lệch không?

Năm 2020, Trường xét tuyển theo ngành và không có sự chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.

  1. Nếu em không đăng ký xét tuyển đại học khi đăng ký dự thi THPT thì giờ em đăng ký có được không? Em muốn điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng thì làm thế nào?

Với các thí sinh chỉ đăng ký thi THPT để xét tốt nghiệp, không đăng ký xét tuyển đại học từ tháng 6 thì sẽ không được đăng ký bổ sung NV và tham gia xét tuyển đại học theo kết quả thi THPT vào đợt này. Các thí sinh này chỉ có thể đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào các trường có xét học bạ hoặc chờ các đợt xét tuyển bổ sung của các trường còn thiếu chỉ tiêu sau đợt 1.

Các thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả thi THPT năm 2020 có 01 lần điều chỉnh nguyện vọng (trực tuyến hoặc nộp phiếu) từ 19/9 đến 27/9, hướng dẫn như sau: https://daihockinhtehue.com/huong-dan-dieu-chinh-nguyen-vong-dang-ky-xet-tuyen-dai-hoc-nam-2020/

  1. Khi nào trường công bố kết quả trúng tuyển?

– Với các thí sinh trúng tuyển diện xét tuyển thẳng, thí sinh xác nhận nhập học trước  ngày 15/9/2020.

– Với các thí sinh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, Nhà trường sẽ công bố kết quả trước 17h00 ngày 05/10/2020 (kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT).

Thí sinh xem kết quả trúng tuyển tại website: http://daihockinhtehue.com hoặc http://hce.edu.vn , Nhà trường sẽ có hướng dẫn cụ thể về xác nhận nhập học và nhập học cho các thí sinh trúng tuyển.

  1. Trường có ký túc xá không? Giá phòng như thế nào?

Sinh viên dùng chung ký túc xá của Đại học Huế (Ký túc xá Trường Bia), giá phòng:

Phòng Số tiền/ tháng Ghi chú
1 người 1.100.000đ Đã tạm thu điện, nước 100.000đ
2 người 600.000đ
3 người 400.000đ
4 người 320.000đ
5 người 280.000đ
6 người 250.000đ
7 người 230.000đ
8 người 190.000đ

 

  1. Về chế độ ưu tiên, miễn giảm và hỗ trợ học phí của trường?

Trường thực hiện chế độ ưu tiên miễn, giảm về học phí và điều kiện học tập cho sinh viên thuộc đối tượng chính sách. Ngoài ra trường còn có nhiều học bổng khuyến khích sinh viên trong quá trình học tập.

Những thí sinh trên 26 điểm (Không tính điểm ưu tiên) sẽ được Học bổng toàn phần trị giá 100% học phí theo ngành trúng tuyển trong học kỳ đầu tiên; từ 24-26 điểm (Không tính điểm ưu tiên) sẽ được học bổng toàn phần trị giá 50% học phí theo ngành trúng tuyển trong học kỳ đầu tiên.

  1. Trường cho phép học song song 2 chuyên ngành, vậy khi nào em có thể theo học, cách đăng ký học và điều kiện đăng ký là gì?

Em có thể đăng ký ngay sau hết học kỳ 1, điều kiện đăng ký là kết quả học tập từ mức trung bình trở lên. Khi học ngành thứ 2 em không được bỏ ngành thứ nhất và được bảo lưu, chuyển điểm các môn học (học phần) giống nhau của 2 ngành này, em chỉ phải học (và đóng học phí) các môn khác với ngành thứ nhất. Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo của cả hai ngành sẽ được nhận hai bằng cử nhân chính quy.

  1. Em có thể học vượt hoặc học chậm so với bình thường (4 năm) không?

Theo học chế tín chỉ, bạn tích lũy đủ tín chỉ và các điều kiện khác như học phí, chuẩn đầu ra… là được xét tốt nghiệp, vì vậy bạn có thể học vượt/nhanh hoặc học chậm/muộn so với thời gian thiết kế (4 năm). Theo quy chế hiện hành sinh viên có thể tốt nghiệp sớm 01 năm hoặc muộn so với thiết kế khóa học là 02 năm. Hàng năm Trường đều tổ chức học kỳ phụ/ kỳ hè giúp sinh viên học vượt hoặc học lại, học nâng/cải thiện điểm.

  1. Điểm sàn, điểm chuẩn là gì? Điểm em cao hơn điểm sàn thì trúng tuyển phải không? Thời gian công bố điểm sàn, điểm chuẩn?

Điểm sàn hay còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, là mức điểm tối thiểu Bộ GD&ĐT hoặc trường đề ra sau khi có điểm thi để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. ĐIỂM SÀN KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỂM CHUẨN, CŨNG KHÔNG PHẢI CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐIỂM CHUẨN CAO HAY THẤP. Từ năm 2018, các trường tự quy định điểm sàn. Bộ GD&ĐT chỉ quy định điểm sàn với các trường đào tạo nhóm ngành giáo viên và sức khỏe.

Ví dụ: Trường ĐH Kinh tế dự kiến điểm sàn xét tuyển (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) năm 2020 là 17 điểm. Vì thế, thí sinh đạt điểm thi từ 17 điểm trở lên mới được đăng ký nguyện vọng vào trường này và sẽ không có ngành nào điểm chuẩn thấp hơn 17 điểm.

– Điểm chuẩn hay còn gọi là điểm trúng tuyển, là mức điểm vào từng ngành do trường quyết định. Mỗi ngành ở mỗi trường đều có một mức điểm chuẩn khác nhau. Thí sinh có điếm thi lớn hoặc bằng điểm chuẩn sẽ trúng tuyển vào ngành đó.

Ví dụ: Năm 2019, điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh ở Trường Đại học Kinh tế Huế là 18,0 điểm. Những thí sinh bằng điểm này hoặc cao điểm hơn sẽ trúng tuyển vào trường.

Thời gian công bố điểm sàn, điểm chuẩn 2020

Theo công văn điều chỉnh của Bộ GD&ĐT nêu rõ, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn) khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe trước ngày 17/9.

Các trường công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) trước ngày 18/9

Các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1, trước 17 giờ ngày 5/10

=> Như vậy là sau khi điều chỉnh nguyện vọng được khoảng 1 tuần, các trường sẽ lần lượt công bố điểm chuẩn năm 2020 cho đến trước ngày 5/10, các trường sẽ công bố xong.

Sau khi biết điểm chuẩn, các thí sinh đủ điều kiện vào trường sẽ nhận được giấy báo trúng tuyển, nhập học trong đó có đầy đủ hướng dẫn xác nhận nhập học. Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 sẽ hoàn thiện trước 17 giờ ngày 10/10.

  1. Khi điều chỉnh nguyện vọng, em được điều chỉnh những gì?

Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh được điều chỉnh như sau:

– Được thay đổi tổ hợp môn xét tuyển (tuy nhiên, bạn phải thi những môn trong tổ hợp ngành đó yêu cầu)

Ví dụ: Ban đầu, A đăng ký xét tổ hợp D01 sau muốn đổi sang C01 => được phép đổi nhưng phải thi các môn Văn, Sử, Địa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020)

– Được thay đổi từ trường này sang trường khác (kể cả những trường mới, chưa từng có trong danh sách đã đăng ký vừa rồi)

Ví dụ: B muốn thay đổi từ trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng sang trường ĐH Kinh tế Huế là hoàn toàn được phép, dù trước đó trường ĐH Kinh tế Huế không hề có trong danh sách đăng ký nguyện vọng.

– Được thay đổi từ ngành trường này sang ngành trường khác, hoặc các ngành trong cùng 1 trường nhưng phải đảm bảo điều kiện thi các môn mà ngành đó yêu cầu.

– Được thay đổi thứ tự nguyện vọng

– Được xóa bớt nguyện vọng

Ví dụ: Ban đầu đăng ký 4 nguyện vọng, sau muốn xóa bớt còn 3 nguyện vọng => được phép

– Được thêm số lượng nguyện vọng

Ví dụ: Ban đầu C đăng ký 2 nguyện vọng, sau muốn thêm 2 nguyện vọng nữa và số lượng lên thành 4 nguyện vọng thì C phải thay đổi bằng Phiếu, nộp thêm lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm. Còn nếu vẫn giữ nguyên số lượng ban đầu thì có thể thay đổi nguyện vọng trực tuyến.