Logistics và quản lý chuỗi cung ứng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần mở rộng các ngành công nghiệp khác nhau, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế. Điều này cũng cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động “chuỗi cung ứng”, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, cơ giới hóa và tự động hóa. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp, không chỉ ở các nước phát triển và còn các nước đang phát triển, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đặt ra. Ở đó không chỉ thiếu lao động mà còn khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, đặc biệt nhấn mạnh vào các kỹ năng và kiến thức cần thiết trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và các quy trình hậu cần.
Sinh viên K54 ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Trường Đại học Kinh tế Huế tham quan, học hỏi và trao đổi kiến thức thực tế tại Cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế
Trong xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu, đa dạng không gian sản xuất và tiêu dùng, và mở rộng các các doanh nghiệp đa quốc gia và quốc tế, nhu cầu lao động có trình độ trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng và logistics đã gia tăng đáng kể. Trên thế giới, ước tính nhu cầu lao động ngành logistics đang tăng trưởng với tốc độ 10-12% mỗi năm. Điều này càng trở nên bức thiết đối với đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các nhu cầu khắt khe trong chuỗi cung ứng và hậu cần. Thậm thí, các nước phát triển đang xuất hiện sự thiếu hụt lao động được đào tạo và có kỹ năng phù hợp trong ngành logistics. Trong khi đó, lao động chưa qua đào tạo, thiếu kỹ năng và tay nghề thực tế đang trở thành thách thức ở các nước đang phát triển.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Huế tham quan, trải nghiệm tại doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị
Tại Việt Nam, nhu cầu về nguồn nhân lực cho quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần đã và đang ngày càng mở rộng. Ước tính khoảng 36.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics trong năm 2022. Điều này gợi ý về nhu cầu lao động trong ngành này cần khoảng 1,8 triệu người nếu dựa theo quy mô doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ là 50 người/doanh nghiệp. Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam chỉ ra rằng có hơn 5.000 doanh nghiệp hiện tham gia vào cung ứng dịch vụ logistics 3PL ở nước ta, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia. Riêng lĩnh vực vận tải và kho bãi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đang tăng qua các năm, bao gồm cả quy mô lao động và vốn đăng ký.
Ngoài ra, Báo cáo Logisctics Việt Nam 2018 đề cập tới nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, ước tính khoảng gần 1,6 triệu người trong giai đoạn 2018-2030. Nguồn nhân lực tại khu vực phía Nam cũng cần thêm khoảng 600 nghìn người. Điều này cho thấy các doanh nghiệp dịch vụ logistics và sản xuất kinh doanh ở nước ta có nhu cầu lao động logistics ước tính lên đến 2,2 triệu người cho giai đoạn 2018 đến 2030. Trong khi đó, thị trường lao động hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu nhân lực logistics dựa trên Báo cáo Logistics Việt Nam (2022). Điều này cho thấy nhu cầu lao động và cung ứng nguồn nhân lực logistics cho thị trường lao động tại Việt Nam đang ngày càng trở nên đặc biệt cấp thiết. Thêm vào đó, nguồn nhân lực trong ngành này hiện đối mặt nhiều thách thức, nhất là lao động thiếu kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm, năng lực ngoại ngữ, và trình độ công nghệ thông tin hạn chế.
Đứng trước bối cảnh và thách thức đặt ra ở trên, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế (HCE) là cơ sở giáo dục tin cậy trong hoạt động đào tạo ứng dụng, nơi cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động tại các tỉnh miền Trung và cả nước, trong đó có ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Đặc biệt, chương trình đào tạo cử nhân ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được thiết kế nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên môn vững, cùng với quá trình trau dồi và lồng ghép các kiến thức thực tế có sự tham gia đào tạo của các doanh nghiệp. Đây được xem là trọng tâm trong việc đáp ứng các yêu cầu đặc biệt trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung và logistics. Thêm vào đó, phát triển bản thân và rèn luyện các kỹ năng, khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi và đáp ứng được nhấn mạnh với những yêu cầu thay đổi trong môi trường logistics. Do đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại HCE có năng lực đảm nhận được các vị trí công việc liên quan khác nhau, chẳng hạn như như chuyên viên, giám đốc, trưởng bộ phận, trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu; lập kế hoạch và kinh doanh kho vận; và các thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu trong các hãng, doanh nghiệp, và nghiệp đoàn.
Thông tin đăng ký học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng:
Địa chỉ: 99 Hồ Đắc Di, TP Huế
Điện thoại: 088 880 04 98
Website: tuyensinh.hce.edu.vn hoặc daihockinhtehue.com
Email: tuyensinh.hce.edu.vn
TS. Lê Thanh An