Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với xu thế tất yếu của quá trình quốc tế hóa giáo dục, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy giáo dục đại học phát triển theo mô hình mới, đồng thời làm thay đổi nhanh chóng nhu cầu của xã hội đối với giáo dục đại học. Điều này đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với giáo dục đại học Việt Nam nói chung và Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế nói riêng, đòi hỏi phải thực hiện đổi mới toàn diện nhằm thích ứng với tình hình mới. Từ bối cảnh đó, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã xác định chiến lược ưu tiên và trọng tâm về phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, phát triển năng lực nghiên cứu và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế.

Ưu tiên cử giảng viên đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài

Hơn bao giờ hết, nhiều chính sách và chương trình hành động đã được triển khai trong thời gian qua tại Trường Đại học Kinh tế nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho cán bộ giảng viên tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, với lợi thế về đội ngũ giảng viên trẻ có kỹ năng ngoại ngữ và khả năng nhanh chóng hội nhập quốc tế, Trường Đại học Kinh tế tập trung ưu tiên cử giảng viên đi học tập ở nước ngoài. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trường, nhiều giảng viên đã chủ động tiếp cận chính sách cấp học bổng Chính phủ của các nước đối tác Việt Nam, các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế và học bổng ngân sách nhà nước (Đề án 322, Đề án 911, Đề án 599, Đề án 89, …) để đăng ký dự tuyển đi đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.

Tỷ lệ giảng viên được cử đi đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Số lượng giảng viên được cử đi học thạc sĩ và tiến sĩ tăng lên nhanh chóng

Thống kê trong 20 năm qua (2003 – 2022), Trường Đại học Kinh tế đã cử gần 400 lượt cán bộ giảng viên đi học sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, trong đó giai đoạn 2010 – 2017 ghi nhận số lượng giảng viên đi học thạc sĩ và tiến sĩ tăng lên nhanh chóng, bình quân mỗi năm có khoảng 30 giảng viên được cử đi học. Đáng chú ý, tỷ lệ giảng viên của Trường đi học tập tại các cơ sở đào tạo nước ngoài luôn chiếm trên 80% trong suốt giai đoạn này.

 Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên gắn với định hướng phát triển các ngành và chuyên ngành đào tạo của Trường

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo, Trường Đại học Kinh tế đã thực hiện công tác quy hoạch chuyên môn, từ đó định hướng giảng viên lựa chọn đăng ký đi đào tạo tại các quốc gia phát triển có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới và có thế mạnh trong đào tạo các ngành, lĩnh vực chuyên sâu về kinh doanh, kinh tế – quản lý phù hợp với định hướng mở ngành đào tạo của Trường, như: khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Áo, Ailen) có thế mạnh đào tạo về tài chính, thương mại quốc tế, logistics, hệ thống thông tin quản lý, phân tích dữ liệu; Úc, New Zealand, Bỉ, Hà Lan có thế mạnh trong đào tạo quản trị kinh doanh, kế toán, kinh tế và kinh doanh nông nghiệp; các trường đại học và viện nghiên cứu ở khu vực Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) dẫn đầu trong đào tạo các ngành tài chính – kế toán và chính sách công. Tính đến nay, số lượng giảng viên của Trường tốt nghiệp sau đại học từ các cơ sở đào tạo tại Úc chiếm tỷ lệ cao nhất (26,3%); tiếp đến là Nhật Bản (18,56%).

 Hoạt động hợp tác quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Bên cạnh những chính sách chung của nhà nước và sự nỗ lực của cán bộ giảng viên, các hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế với các đối tác quốc tế cũng tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Bằng việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, đã có hàng trăm lượt giảng viên của Trường được cử đi bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn, trao đổi học thuật ở nhiều nước trên thế giới như Đại học Rennes 1, Cộng hòa Pháp; Đại học South-West “Neofit Rilski”, Bungari; Đại học Utrecht, Hà Lan; Đại học St. Kliment Sofia, Bungari; Đại học Kalasin, Thái Lan; Đại học Woosong, Hàn Quốc; Đại học Đông Hoa, Đài Loan; Đại học Tokai, Nhật Bản v.v… Ngược lại, đã có hàng trăm lượt chuyên gia, sinh viên quốc tế đến trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu và giảng bài cho sinh viên. Nhiều cán bộ giảng viên của Trường là thành viên của các mạng lưới nghiên cứu quốc tế như: Chương trình kinh tế môi trường Đông Nam Á; Hiệp hội các nhà kinh tế học tài nguyên môi trường châu Âu; Hiệp hội các nhà kinh tế học tài nguyên môi trường Đông Nam Á; Mạng lưới nghiên cứu phát triển bền vững khu vực Mekong… Điều đó đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Thành quả từ công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên

Có thể cho rằng, các chính sách về đào tạo và bồi dưỡng của Trường trong thời gian qua đã tác động tích cực đến chất lượng đội ngũ giảng viên. Nếu như năm 2002 (khi mới thành lập trường), tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học chỉ chiếm 39,51% thì đến năm 2022 đạt 100% (đúng chuẩn quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo); số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 81 người (trong đó có 18 Phó giáo sư), chiếm 42,46% tổng số giảng viên toàn trường (vượt chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024). Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế có nhiều giảng viên giỏi đủ năng lực tư vấn, lập, quản lý và điều hành các dự án hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đối tác quốc tế, tạo vị thế vững chắc để Trường Đại học Kinh tế chủ động lựa chọn những đối tác quốc tế uy tín trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung ứng dịch vụ về lĩnh vực kinh tế và quản lý phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong tình hình mới.

(Nguồn: Báo cáo 3 công khai, trang web của các trường, 10/2023)

Kết quả đối sánh tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giữa các trường đại học khối ngành kinh tế trọng điểm tại Việt Nam

Năng lực nghiên cứu khoa học của nhiều giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã được quốc tế ghi nhận

Tóm lại, những dấu ấn và thành tựu đạt được của quá trình chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giảng viên thời gian qua đã khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế – là địa chỉ tin cậy, một cơ sở đào tạo được tín nhiệm để các bậc phụ huynh, các cơ sở sản xuất kinh doanh gửi con em và cán bộ đến đào tạo./.

Nguồn: Ths. Nguyễn Mạnh Hùng